Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

BẦM ƠI - Tố Hữu



Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
Nhớ thương con bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con.
Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em.
Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra.
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.
Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.
Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cụng nghe thầm tiếng con...

(1948)
Trong hành trang của người lính, ngoài ba lô quần áo, quân trang quân dụng đều có cuốn sổ tay nhỏ, trong đó thường hay ghi nhật ký, khi mới bước vào đời. Ngoài ra, cũng có thể là những dòng lưu bút của bạn bè, người thân và những bài thơ yêu thích hoặc những bài thơ tự sáng tác ngẫu hứng. Nhưng đã là người lính xa nhà thì không ai là không nhớ thương mẹ. Người mẹ là người thương yêu và suốt đời vì con cái. Nhất là khi gíó đông về, mỗi người miền Bắc đều cảm thấy cái khô hanh giá rét, gió bấc mưa phùn. Với mỗi người lính xa nhà ai mà không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến “ BẦM ƠI”.
Có một lần tình cơ tôi được đọc cuốn sổ tay của một người bạn có viết:
“Con biết giờ đây mẹ khổ nhiều
Đêm ngày mong đợi đứa con yêu”.
Bên dưới người bạn có ký tên mình vào ngày Ba mươi Tết. Tôi cười bảo ông tướng này lại ăn cắp thơ rồi, tôi câu thơ này do Sóng Hồng hay ai đó viết từ thời kháng chiến chống Pháp.
Cứ mỗi khi xuân về, những người lính đi xa đều mong ngóng về quê nhà, nếu được về quê xum họp với gia đình thì là niềm vui bất tận, còn những người không có điều kiện để về quê thì lại đón giao thừa với bài  “Xuân này con không về”. Tình mẫu tử là như thế đấy, xin cảm ơn nhà thơ Tố Hữu, người đã gửi tất cả tâm tình của những người lính với người mẹ kính yêu vào trong tiếng gọi “BẦM ƠI”.