Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4 năm 1975

Ninh Bình 1977
Cách đây tròn 42 năm lúc này tôi đang có mặt tại Thủ Dầu Một, cùng với người cha của tôi trong đội hình của Binh đoàn Quyết Thắng- Quân đoàn Một, tham gia chiến dịch Đại thắng mùa xuân.
Ngày này năm ấy mãi mãi trong tôi như vừa mới xẩy ra, tôi làm liên lạc cho các sĩ quan của Đội điều trị quân y 52, có nhiệm vụ đi phục vụ cho sư đoàn 312 (Sư đoàn Chiến thắng). Đội điều trị quân y 52 sau này là tiền thân của bệnh viện 145 của Quân đoàn Một hiện nay. Sau khi hành quân thần tốc từ đại bản doanh của Quân đoàn tại Ninh bình, đoàn quân mang cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng có nửa xanh nửa đỏ đi vào hướng Nam, vượt qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và điểm dừng chân một ngày tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Từ đây chúng tôi lại theo đường 9 vượt qua Lào theo đường giao liên của Đoàn 559.
Khi chuẩn bị sang biên giới nước bạn Lào, tất cả các xe đều tháo hết cờ Việt nam và thay các biển số xe dân sự. Chiến dịch Mùa xuân thật hào hùng, tất cả hướng về miền Nam thân yêu. Vượt qua binh trạm 13, 14, 15 chúng tôi đi qua dọc một phần miền Đông của nước Lào, qua cao nguyên Bô lô ven, cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Vượt qua bao gềnh thác, ngày đi, đêm ngủ và trở lại Việt nam qua ngã 3 Đông Dương. Nơi đầu tiên là Đắc Tô, Tân Cảnh, Công Tum, Plâycu, Buôn Ma Thuật và xuôi về Sông Bé trong lòng dạo rực niềm vui với bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến: "Đồng chí ơi người chiến sĩ giải phóng quân miền Nam anh hùng thành đồng Tổ quốc…". Khi chúng tôi vượt qua Sông Bé cũng là lúc tổng thống của chế độ ngụy quyền Sài gòn Nguyễn Văn Thiệu bàn giao chức cho Nguyễn Văn Hương trong nước mắt. Ông Thiệu đổ lỗi cho quân Mỹ không chịu chi viện cho chiến trường Việt Nam.
Ngày 26/4/1975 sau khi đến Đồng Xoài chúng tôi nghỉ lại 1 ngày tại rừng cao xu gần thị xã, tại đây tôi được gặp lại người cha của tôi cùng đi chiến dịch, ông là người luôn đi tiền trạm lo tìm nguồn nước, chỗ ăn ở cho Binh đoàn dừng chân. Tại thị xã Đồng Xoài, tôi được gặp một người cùng quê làm ở huyện đội Đồng Xoài, sau ngày giải phóng bác ấy cũng về quê đón gia đình vào sống tại Đồng Xoài. Thực tình khi đặt chân đến Đồng Xoài, chúng tôi cũng không thể biết được ngày giải phóng lại cận kề đến thế. Lúc đó nghe thông báo có giao liên ra Bắc, thế là mọi người mỗi người viết vội vài ba lá thư gửi về nhà qua giao liên. Ở Đồng Xoài, do sơ xuất một buổi chiều có người chủ quan nấu cơm để gây ra khói, bị máy bay ném bom napan và bắn phá rất dữ dội. Nhưng may mắn thiệt hại không đáng kể đối với đơn vị chúng tôi.
Chúng tôi tiếp tục hành quân về Sài gòn theo đường 13 và dừng chân lại gần thị xã Thủ Dầu Một trong rừng thơm cách đường quốc lộ khoảng 500 mét. Khu vực này chưa giải phóng, nhưng nhân dân đi lại làm ăn bình thường. Mọi người đi chăm sóc vườn rau, vườn trái cây. Sống trong những khu rừng điều thích thú nhất là tìm được những nguồn nước từ trong khe núi chảy ra, hay những chỗ người dân đã đào thành giếng để lấy nước. Thấy nước trong veo sau những ngày hành quân vất vả ai mà không thích tắm cho thỏa thích. Từ đấy về thành phố Sài gòn cũng chỉ còn khoảng 30 km, theo đường thẳng chim bay thì rất gần khoảng trên 20 km. Mỗi khi nghỉ lại, chúng tôi đều tìm hai cây vững chắc để mắc võng căng bạt che mưa. Khi nằm ngủ ba lô để dưới đất phía đầu võng, còn súng AK lên đạn sẵn, khóa an toàn nằm trên bụng chĩa nòng xuống phía chân. Trong rừng các anh lính cũ hay săn tìm tắc kè, để ngâm rượu hay làm thịt.
Trong chiến dịch Đại thắng mùa xuân, Binh đoàn Quyết thắng tấn công giải phóng căn cứ Bến Cát do sư đoàn 5 lính dù ngụy canh giữ. Tại đây đặt sở chỉ huy của Binh đoàn. Tiếp sau căn cứ thiết giáp Lái thiêu, và tiến vào Bộ tổng tham mưu ngụy- nay là khu vực giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ, kế bên sân vận động Quân khu 7. Nhớ lại ngày tháng hào hùng ấy có ai quên được giờ G lịch sử đêm 29 rạng 30 tháng 4 năm 1975. Nằm trong rừng gần thị xã Thủ Dầu Một tôi có thể nghe rõ từng tiếng đạn pháo nã vào Sài gòn, cứ sau chớp sáng chói lòa vài giây là nghe thấy tiếng nổ. Cứ như vậy, đến trưa 30 tháng tư thì thấy sỹ quan chỉ huy thông báo ta đã chiếm được Dinh tổng thống, Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng và kêu gọi binh lính ngụy quyền Sài gòn buông súng.
Vừa giải phóng xong, Đảng và chính phủ ta lại lo tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động mùng 1 tháng 5 tại Sài gòn do Chủ tịch Tôn Đức Thắng đọc diễn văn. Khi đó tôi vẫn còn đang ở trong rừng thơm, mãi tới ngày 2 tháng 5 năm 1975, chúng tôi vô tiếp quản bệnh viện 4 dã chiến của ngụy nằm cách Thủ Dầu Một khoảng 1 km về phía Sài gòn, kế bên nhà tù Phú Lợi, nơi mà xẩy ra vụ thảm sát các chiến sỹ cách mạng năm 1959. Với nhiệm vụ là đơn vị quân y phục vụ cho chiến dịch, đơn vị tiếp nhận các thương binh của các đơn vị chuyển về cứu chữa. Lần đầu tiên tiếp súc với những dụng cụ điện tử hiện đại như casset hay radio, tivi ai cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Tuy đã giải phóng nhưng chúng tôi vẫn phải luôn cảnh giác vì kẻ thù mới chỉ buông vũ khí thôi, chứ còn vũ khí chúng cất giấu thì ai biết được. Các sỹ quan cũng thông báo anh em hạn chế vào nhà dân, đề phòng bất trắc có thể xẩy ra, không được phép nhận mẹ con nuôi gì hết và đặc biệt hạn chế tiếp xúc với những người đuổi Pháp quá đà (dân Bắc 54).
Từ Thủ Dầu Một thỉnh thoảng tôi về Sài gòn chơi, đi chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng, vào Bộ Tổng tham mưu, đi mua bán một số thứ quà và chuẩn bị hành quân ra Bắc vào cuối tháng 5 năm 1975. Khi đi chiến trường không ai biết là giải phóng nhanh đến thế, cho nên không ai mang theo tiền bạc gì hết. Mỗi người sau chiến dịch mua vài cái áo len hay một số thứ hàng tiêu dùng mà lúc đó miền Bắc còn khan hiếm.
Khi trở ra miền Bắc, chúng tôi hành quân theo quốc lộ 1 A hết gần 2 tuần vừa đi vừa nghỉ lại dọc đường. Trở về căn cứ địa của Quân đoàn Một, chúng tôi lại bắt tay ngay vào việc chăm sóc thương binh sau chiến dịch. Nói chung mỗi người một số phận: người thì cụt một tay, đa số bị cụt một chân, đặc biệt có đồng chí Tiền sư đoàn 312 bị cụt cả 2 chân khi đánh căn cứ Phú lợi. Mọi người nói rằng lỗi là do anh ta, vì nóng vội lấy dao cắt sợi dây vướng dưới chân, ai ngờ đây là dây mìn Klâymo, làm chết thêm vài đồng chí khác. Ngoài ra còn có đồng chí Hai bị cụt tay đến tận nách, phải tháo khớp vai. Có nhiều đồng chí bị thường nặng, sau khi điều trị xong được chuyển về trại thương binh Hà Bắc để an dưỡng. Đã gần bốn mươi năm chiến tranh đã qua đi, nhưng có lẽ trong lòng mỗi chúng ta chưa thể quên ngay được những tổn thất, mất mát của đất nước, của dân tộc và của từng gia đình trong chiến tranh. Nhiều lúc nhớ lại đất nước sục sôi đánh giặc Mĩ mà liên tưởng đến lớp thanh niên bây giờ, nhiều người nghĩ rằng cuộc sống hưởng thụ vật chất sung sướng như bây giờ thì làm sao có tinh thần để thắng được giặc ngoại xâm!
Nghĩ thì cũng buồn, vì nhiều thanh niên đến tuổi nhập ngũ thì lại viết đơn xin hoãn vì lý do này hay lý do khác… Ai cũng như vậy chỉ lo toan cho cuộc sống của cá nhân thì lấy ai giữ nước.

Bason 1998