Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

MỐI TÌNH DANG DỞ

Nhân dịp ngày lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 tôi có về miền Đông Nam bộ thăm gia đình người chú ở kề bên hồ thủy lợi Dầu Tiếng – Tây Ninh. Lần đầu tiên được nghe chú kể về chuyện tìm vợ của bố tôi ngày xưa như sau : sau giải phóng Điện Biên bố tôi trở về quê lúc đó mới là thiếu úy, đại đội trưởng quân y của trung đoàn 88 thuộc sư 308, có người bạn chiến đấu là huyện ủy viên huyện Phúc thọ, tỉnh Sơn Tây lúc bấy giờ, giới thiệu cho một cô gái là con địa chủ kháng chiến. Cô này tên là Quy ở Thón trung, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Sau khi gặp mặt xong về thì cô ấy có nói với người bạn của bố tôi rằng về chức vụ và nghề nghiệp thì không chê điểm gì, nhưng chê bố tôi xấu.
Sau này lại có một người khác đến hỏi cô Quy với quân hàm đại úy và chức vụ đại đội trưởng, cô ấy vẫn chê không lấy. Rồi tiếp đến một anh bác sĩ làm việc ở một bệnh viện ở Hà nội về hỏi, cô này vẫn chê vì nghĩ mình xinh đẹp, con nhà giàu mà. Thế rồi năm tháng qua nhanh, có ai trẻ đẹp mãi với thời gian, thoắt một cái cô Quy sang tuổi 28 mà vẫn chưa kén được chồng, cô mới cuống cà kê lên. Thế rồi đến năm 1959 có cậu em rể giới thiệu cho một anh bạn là sĩ quan tập kết công tác tại Tây bắc và họ cưới nhau sinh hạ được một cậu con trai.
Sau năm 1975, khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, người cán bộ tập kết muốn đón vợ con về quê, quê ông ở Tuy hòa, Phú yên thì khi đó cô không muốn về. Ông là người sống rất đức độ, trọng nhân nghĩa, ông nói rằng : “không có lẽ khoai vò bỏ mẹ bắt con, khi về quê gia đình hàng xóm bạn bè sẽ nghĩ vì ông ra sao?”. Khi đó cô Quy ra giữa sân quỳ gối lạy và nói: “Con lạy trời phật bốn phương tám hướng, cái oan nghiệt này cũng do con gây ra mà thôi…” Đó là năm 1976, sau này cô vào sống cùng chồng con tại Tuy hòa, Phú yên, nếu còn sống thì cũng đã ngoài 80 tuổi rồi. Nếu cô Quy còn sống hay đã mất rồi, thì cô cũng đừng trách cháu nói lên sự thật này nhé.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, các cô gái của các nhà giàu có được ăn học hẳn hoi, thậm chí thuê cả thầy giáo về dạy riêng cho các con cháu trong dòng họ, các cô được ăn mặc quần áo tươm tất, không phải lam lũ vất vả nên ai nhìn mà chả phát thèm. Là con của nhà giàu có thì các cô gái này cũng muốn chọn cho mình một người có quyền có chức và địa vị trong xã hội chứ.
Nhưng kẹt một nỗi, những người có chức, có quyền trong chính quyền cách mạng sau hòa bình 1954 tại miền Bắc lúc bấy giờ chủ yếu là cộng sản, một số xuất thân từ trí thức còn đa số từ các gia đình nông thôn nghèo khổ và những người công nhân lao động. Khi cuộc đấu tranh giai cấp vẫn còn đang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc đấu tố địa chủ trong cuộc cải cách ruộng đất ở khắp mọi nơi, vậy mà nhiều sĩ quan cán bộ vẫn đem lòng yêu tha thiết những cô gái con của giai cấp bóc lột, ngày hôm qua vẫn còn là kẻ thù của chúng ta, của giai cấp công nông. Tôi nghe nói lúc bấy giờ chủ trương chung của Đảng và chính phủ có đưa ra vấn đề này khuyên các cán bộ đừng xao nhãng tư tưởng để lao vào yêu đương mà quên nhiệm vụ chính của mình.
Chú tôi có đọc cho tôi một đoạn của bài thơ nhằm chống tư tưởng yêu con gái của các gia đình địa chủ lúc bấy giờ. Tôi sưu tầm trọn vẹn bài thơ và post cho mọi người cùng đọc cho vui, nhưng dù sao cũng đừng nên quên cuộc đấu tranh giai cấp ngay cả trong thời điểm này, như Tổng giám đốc đài truyền hình Việt nam vừa có bài phát biểu ngày 30 tháng 4 năm 2010.


MỐI TÌNH DANG DỞ
Anh đã trót yêu con địa chủ
Trót yêu rồi ghét bỏ sao đành?
Đêm qua trằn trọc năm canh,
Vẫn không cắt dứt mối tình nhớ thương...
Anh yêu nó đẹp, nó ngoan,
Anh yêu mặt nó trái xoan hồng hào,
Anh yêu văn hoá nó cao,
Nó giỏi chơi đàn, giọng hát nó trong,
Mắt đen, răng trắng, má hồng,
Anh yêu lòng đã nhủ lòng từ lâu...

Sao anh chẳng đào sâu suy nghĩ,
Bởi vì đâu nó đẹp, nó xinh?
Vì đâu quần áo nó lành?
Vì đâu nó được học hành giỏi giang?
Biết bao người lầm than đói khổ,
Còng lưng làm cho nó ăn không?
Kẻ thù giai cấp công nông
Mà anh lại nỡ sống chung sao đành?
Anh bảo nó yêu anh tha thiết,
Nó yêu gì, anh biết hay không?

Nó yêu côn bạt, ngựa hồng,
Nó yêu một đức ông chồng hiên ngang,
Nó yêu một ông quan cách mạng,
Nó muốn chi làm bạn dân nghèo!
Đời này ba, bảy thứ yêu,
Nó ham danh vọng, nó yêu gì mình!
Gia đình nó chọn canh kén cá
Kén mãi rồi nó chả ngây thơ.
Làm chi có chuyên suối mơ,
Ái tình xây dựng lửng lơ giữa trời!

Anh không có tiền tài, danh vọng,
Anh không có chức trọng, quyền cao...
Gia đình nó chẳng khi nào
Để con gái nó lọt vào tay anh!
Anh bảo nó yêu anh, tiến bộ
Sẽ nghe lời khuyên nhủ cùng anh
Thoát ly rời bỏ gia đình,
Tự làm nuôi sống, tự mình lập thân.
Nhưng việc ấy khó khăn, anh ạ,
Cải tạo người hồ có dễ đâu!

Nó sống kẻ hạ người hầu,
Chắc gì bỏ chức sang giàu, xa hoa?
Anh cưới nó về nhà làm vợ,
Đêm nó nằm than thở, tỉ tê:
“Anh ơi thuế khoá nặng nề,
Giảm tô, giảm tức lấy gì nuôi em?”
Anh lấy nó, anh nghe lời nó,
Anh xa dân, anh mất lập trường
Anh xa Cách Mạng nửa đường,
Anh xa rời Đảng quy hàng nó ư?

Không! Không có bao giờ thế được!
Anh đã nguyền vì nước hy sinh.
Vì dân, vì Đảng quên mình,
Anh nên cắt đứt mối tình vấn vương!!!
(Sưu tầm)
côn bạt : súng ngắn

Bài hát Lời tình buồn do Khánh Ly trình bày