Các bạn thân mến, có bài
thơ nổi tiếng của nữ thi sĩ người Armenia – Sylva
Kaputikyan (Сильва Капутикян) đã
từng được nhiều thế hệ học sinh Việt Nam biết đến và thuộc lòng cứ ngỡ như đây
là bài thơ xuất xứ từ tiếng Việt:
“Em bảo: anh đi đi
Sao anh không ở lại
Em bảo: anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay?”
Nhiều người trong sổ tay
của mình lại lầm tưởng nghĩ tác giả bài thơ này A.S. Puskin. Nhân dịp gần đây
có người mới hỏi tôi bài thơ này, tôi thử tìm xem có nhạc sĩ Liên Xô nào đã
từng soạn nhạc cho bài thơ chưa thì tôi không thấy, mà hầu như trong blog và sổ
tay của các bạn Nga đều chỉ là thơ tình.
Tôi nhớ bài thơ này đã
từng được đăng trong cuốn sách văn học lớp 7 hay lớp 8 gì đó, được xuất bản
trước năm 1957, mà ngày xưa gọi là “Văn tuyển” thời những năm 70 chúng tôi học thì gọi là “Trích giảng văn học” thời nay
lại gọi là sách “Ngữ văn”.
Bà Sylva Kaputikyan là một nhà thơ lớn của
nước cộng hòa Armenia. Bà sinh ngày 20 tháng 1 năm 1919 tại Yerevan, Armenia và
mất ngày 25 tháng 8 năm 2006. Sylva Kaputikyan sinh ở Erevan. Bố là người tỵ
nạn từ thành phố Van (Thổ Nhĩ Kỳ), trước làm biên tập viên của một tờ báo, sau
dạy học.
Sirvard Kaputikyan tốt
nghiệp khoa ngôn ngữ Đại học Erevan và trường viết văn. Bắt đầu in thơ từ năm
1933. Hội viên Hội nhà văn Armenia từ năm 1941. Năm 1952 được tặng Giải thưởng
nhà nước Liên Xô. Những đề tài chính trong thơ Sirvard Kaputikyan là tình yêu,
lòng yêu nước và sự cô đơn của người phụ nữ. Bà đặc biệt nổi tiếng với nhiều
bài thơ về tình yêu, tình mẹ và nhiều bài viết về số phận của cộng đồng người
Armenia ở nước ngoài. Ngoài hoạt động văn học bà còn là Đại biểu Xô viết Tối
cao Liên Xô và Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga. Bà được tặng nhiều giải
thưởng cao quí của nhà nước Armenia, Liên Xô và nhiều giải thưởng của các nước:
Ý, Ukraina, Mỹ, Grruzia, Anh.
Bà là người giữ vị trí quan trọng về vấn đề Karabakh và bà cũng là một trong
những thủ lĩnh của phong trào Karabakh đòi độc lập cho Armenia.
Silva Kaputikyan là tác
giả của gần 60 cuốn sách viết bằng tiếng Armenia và tiếng Nga. Thơ của bà được
dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Bài thơ được nhạc sĩ Văn Ký
phổ nhạc với tên bài hát “ĐÔI MẮT” và được nhạc sĩ Vũ Thành An ngẫu hứng lấy
làm đoạn đầu cho bài hát của mình “BÀI KHÔNG TÊN SỐ 50”.
ДА, Я СКАЗАЛА: "УХОДИ"
Сильва Капутикян
Да, я сказала: "Уходи", -
Но почему ты не остался?
Сказала я: "Прощай, не жди", -
Но как же ты со мной расстался?
Моим словам наперекор
Глаза мне застилали слезы.
Зачем доверился словам?
Зачем глазам не доверялся?
ĐÔI MẮT
Lời Việt: Nhạc sĩ Văn Ký
Em bảo anh đi đi
Sao không đứng lại
Em bảo đừng mong
Sao anh lại cứ quay về
Tiếng nói của em
Bay theo hương gió
Để lại mình em
Bao nhiêu buồn nhớ
Sao anh ngốc thế
Chẳng nhìn vào mắt em
Vì bao yêu thương
Chứa chan ở đôi mắt này!
Có lời dịch mượt mà hơn mọi người cho là của nhà thơ XUÂN DIỆU
“Em bảo: anh đi đi
Sao anh không ở lại
Em bảo: anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay?
Lời nói thoảng gió bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế?
Không nhìn vào mắt em”
BÀI KHÔNG TÊN SỐ 50
Nhạc sĩ Vũ Thành An, phỏng theo thơ của Silva Kaputikyan:
Em bảo : "Anh đi đi"
Sao anh không đứng lại ?
Em bảo : "Anh đừng đợi"
Sao anh vội về ngay ?
Lời nói thoảng gió bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Mà sao anh dại thế
Không nhìn vào mắt em
Mà sao anh dại thế
Không nhìn vào mắt em
Không nhìn vào mắt sầu
Không nhìn vào mắt sâu ?
Những chuyện buồn qua đi
Xin anh không nhắc lại
Em ngu khờ vụng dại
Anh mơ mộng viễn vông
Đời sống nghiệt ngã không
cho chúng mình ấm mộng
Thì thôi xin gửi sóng
Đưa tình về cuối sông
Thì thôi xin gửi sóng
Đưa tình về cuối sông
Đưa tình về với mộng
Đưa tinh vào cõi không