Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

LÀ TÌNH YÊU





Là tình yêu cũng đừng nên cám rỗ
Phải đâu là con bướm với cành hoa
Đã yêu nhau yêu mãi đến già
Đừng đùa cợt để người ta đau khổ

Là tình yêu chớ nên vội vã
Để có ngày nông nổi chán yêu đương
Đã yêu nhau là cả một con đường
Phải cân nhắc nhìn đi cho kỹ đã.

Là tình yêu cũng chớ nên say quá
Say về tình, mù quáng đó mà thôi
Nhắm mắt đi mà quên cả cuộc đời
Hãy bình tĩnh mà nghe lời thiên hạ.

Là tình yêu cũng đừng nên lơi lả
Phải đâu là câu chuyện bán hàng rong
Đừng xéo lên đẹp đẽ của tấm lòng
Vui chốc lát, để ngàn năm nhục nhã.

Nhưng nói thế cũng đừng nên suy quá
Tự xem mình dưới con mắt của thần tiên
Kẻo già lừa lại quá vô duyên
Mà rút cục hoa tàn trong khóm lá.

Này bạn hỡi, tình yêu là cao cả
Phải trung thành vô hạn chớ coi khinh
Là thanh niên thế hệ sẵn duyên tình
Giữ danh dự chứ đừng nên sa ngã.
Phải điềm nhiên minh mẫn chớ thờ ơ
Chữ yêu đương đâu phải mộng tình cờ.

Này bạn hỡi tình yêu là quý giá
Là nguồn hạnh phúc của bản thân
Là vườn hoa đang ươm cả tinh thần
Yêu là đẹp- Tình yêu đừng cợt nhã./.

Bài thơ này được viết từ thời chiến tranh đã khoảng 40 năm rồi, có thể cái thời xưa tình yêu như vậy, còn bây giờ thời đại kỹ thuật số, thời đại tên lửa, có lẽ tình yêu có khác nhiều rồi…mời các bạn đọc cho vui.


Tặng anh NGUYỄN ĐẮC LỘC – Giáo sư- tiến sĩ trường ĐHBK Hà nội

Không hiểu vì sao mọi người cố gắng tìm cách phấn đấu để vào đảng đến thế! Phải chăng để có chỗ đứng trong chính quyền hay sao, hay người ta thường nói: CÓ CHỨC, CÓ QUYỀN, CÓ TIỀN CÓ BẠC.
Năm đó là năm 1980, tôi vào học năm thứ nhất của trường bách khoa Kiev, thì anh Lộc là giáo viên của trường bách khoa Hà nội sang nghiên cứu sinh làm luận án phó tiến sĩ, sau này chính phủ ta chuyển thành tiến sĩ. Anh Lộc là giảng viên lâu năm khoa cơ khí của trường bách khoa Hà nội, nhưng không hiểu vì lý do gì anh chưa được vào đảng. Khi sang đến Kiev anh vội tìm cách giữ những vai trò lãnh đạo trong thành hội và trong hội sinh viên của trường, cũng có thể đây là một cách tiến thân chăng?
Nghĩ thì cũng tội nghiệp cho anh, mấy năm vừa nghiên cứu sinh vừa tham gia hoạt động trong các tổ chức, nhưng sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ về nước anh vẫn chờ mong kết quả bình xét, giới thiệu của chi bộ vào đảng. Nói chung anh là người tốt, nhưng trong cuộc sống có một số điều cư xử không được lòng quần chúng. Ví dụ như, anh nhặt được cái kính cận ngoài đường thay vì cho một cô bạn sinh viên cùng khoá với tôi, thì lại đem bán lấy tiền, mà có đáng là bao. Nhân dịp ngày kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga, anh Lộc có mang một tấm tranh sơn mài của cá nhân tặng cho ông trưởng khoa ngoại quốc, sau về nhà trừ tiền quỹ của sinh viên 20 rup, khoảng 10 USD… Nghĩ lại thì cũng buồn thật, lúc đó tôi đã tức cảnh viết một bài thơ con cóc tặng cho anh.
Dù bây giờ anh đã là giáo sư - tiến sĩ của khoa cơ khí trường bách khoa Hà nội, anh cùng với anh Lê Văn Tiến là phó giáo sư tiến sĩ viết rất nhiều tài liệu kỹ thuật và hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, nhưng tôi vẫn xin mạo muội đăng cho vui, kỷ niệm thời : Nhất quỷ nhì ma…

Vừa về Kiev không lâu
Anh Lộc đã phải vò đầu bứt tai
Chỉ vì hạnh phúc lâu dài
Cho nên anh phải tính bài liều thân.

Biết
mình cũng chẳng còn xuân
Bao năm phấn đấu, nhọc thân khổ đời.
Chức thành hội phó chiếm rồi
Ghế đơn vị trưởng Lộc ngồi vểnh râu.

Mưu đ đen tối từ lâu
Bước đường vào đảng phải đâu trò hề.
Ba năm cặm cụi say mê
Tưởng chức thành hội, dễ bề kiếm ăn!

Tự hào thay, chỉ riêng anh:
Đ
em đổi danh dự lấy tranh sơn mài.
Nhục nhã có một không hai:
Muốn kết nạp đảng chẳng ai tán thành!

Kiev tháng 12/ 1983
Minh Nguyệt

Anh Lộc ngồi hàng đầu sát với Thiết con ông Nguyễn Cơ Thạch, Minh ngồi bên phải tấm hình. (Kiev 1980)

YÊU LÀ YÊU...



YÊU
Yêu là yêu - là nhạc lòng lên điệu
Là tâm hồn ghi khắc bóng hình ai
Là nhớ nhung mơ mộng suốt đêm dài
Là chờ đợi bước chân người thương mến
Yêu là mắt nhìn nhau đầy âu yếm
Môi ngập ngừng nhưng chẳng thốt nên câu
Lúc gần nhau quên vạn nỗi ưu sầu
Và thấy cả cuộc đời lên sắc thắm, Ái tình./.



Thật ra tình yêu có muôn màu, muôn vẻ. Mỗi người sẽ nhận diện và chọn lựa tình yêu theo suy nghĩ của riêng mình. Cuộc sống hôm nay nhiều thay đổi so với ngày xưa, chúng ta có nhiều công việc, nhiều cơ hội mà lại ít thời gian hơn. Do đó, quan niệm về tình yêu cũng có đôi chút thay đổi. Đó là "Yêu là tất cả". Không nhắm mắt để hồn mình rơi tõm vào thế giới mộng ảo của tình yêu. Mà chúng ta yêu bằng một trái tim nồng nàn, và một cái đầu tỉnh táo! Tình yêu có làm cuộc đời thǎng hoa hay không tuỳ thuộc vào cách các bạn yêu như thế nào. Nếu chúng ta nghĩ tình yêu là sự cho đi để được nhận lại những giá trị tinh thần tốt đẹp thì chúng ta sẽ được những gì chúng ta muốn có.
Nhưng nếu ai chỉ biết nhắm mắt lao vào tình yêu... như một thử nghiệm, thì họ sẽ trả giá đắt cho hành động nông nổi của mình. Bởi tình yêu luôn thiêng liêng cao quý, chúng ta cần nghĩ đến và bước chân vào thế giời ấy với một ý niệm rõ ràng, chân thật và nghiêm túc.
Đừng bao giờ vội vã yêu theo "thời trang": ai cũng yêu thì tôi phải yêu; yêu theo thời thượng: người yêu phải đủ những tiêu chuẩn ngoại hạng (xe phân khối lớn, ngoại hình ngầu, tiền nong rủng rỉnh);
Yêu theo... "thời giá": phải là "nguồn cung cấp" vật chất, tặng phẩm, chi trả vô điều kiện mọi "yêu quái phí" của mình.... Nếu mà như thế thì có thể khẳng định: bạn chưa biết yêu. (mà ông bà ta nói người nào không biết yêu thì rất thiệt thòi!), cho nên bạn hãy lắng nghe giai điệu trái tim mình... Bao giờ nó thực sự rung lên những giai điệu của tình yêu thì hãy...!
Bạn sẽ hiểu ra rằng tình "yêu là một niềm hạnh phúc nhất trên đời!".
Hãy chờ đợi khi nào trái tìm mình rung nhé, khi đó hãy yêu./.





Một số vần thơ về tình yêu của tuổi học trò

ĐƯỜNG TÌM HOA
Bướm đi tìm lấy bông hoa
Bướm đi tìm lấy khúc ca yêu đời
Bướm đi tìm lấy hoa tươi
Bướm đi tìm lấy tiếng cười của hoa.
Bướm tìm lấy bản tình ca
Bướm đi tìm lấy bông hoa diệu kỳ
Bướm mong hoa sắc không ly
Bướm mong hoa sắc đừng vì tài ba.
Đừng cho bướm kém sắc hoa
Nếu được như vậy, mới là tình thương.
Bướm- Hoa, Hoa - Bướm một đường
Cùng đi tới tận quê hương thân tình./.

Ta uất ức hoa rầu rĩ cánh
Ta đau thương hoa ngẩn ngơ sầu
Ta đi xa vắng hoa lâu
Ủ ê, hoa cũng hạ màu kém tươi.

Gặp nhau trong lúc không ngờ
Hiểu nhau thì đã đến giờ chia ly
Ai ơi quen biết làm chi
Để gây bao nỗi sầu bi trong lòng.
Thà rằng chẳng biết cho xong
Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu./.

Nếu đã biết quen nhau rồi giã biệt
Thì chẳng thà mình xa lạ nhìn nhau.
Còn hơn quen để mang lấy sầu đau
Đem tình cảm cho người nhưng không nhận.

Nếu đã biết tình là dây oan nghiệt
Thì chúng mình đừng yêu nữa nghe anh.
Trả nhau về với cuộc sống màu xanh
Cho lệ thắm đừng khóc tình dang dở./.

YÊU
Yêu là chi, yêu là gì bạn nhỉ?
Yêu là tan đi nửa cuộc đời.
Yêu là dây thòng lọng bạn ơi
Càng sớm yêu càng sớm đến sương chiều.
Yêu bao nhiêu càng đau khổ bấy nhiêu.
Yêu sớm quá sẽ lầm vào tội lỗi
Khi tuổi xuân vừa tới lúc trằng cười.
Hết thắm, tươi, tàn, lụi hoa ơi,
Kìa non sông đang kêu gọi lên đường.
Hãy yêu đi yêu Tổ quốc muôn phương…
1974

Nếu bạn là người yêu thơ hẳn còn nhớ, năm 1972
khi máy bay B52 rải thảm Hà nội. Có một cô nữ sinh Đặng Hà ở phố Cầu Chui đã
vĩnh viễn ra đi để lại cuốn nhật ký có bài thơ ngay trang đầu:

Ta yêu mến người cuộc sống ơi
Không chỉ giản đơn đất với trời

Mà là tất cả niềm tin ấy,

Vào cuộc sống tin yêu ta tìm thấy

Cuộc đời ta và cả trái tim ta./.

Tháng 5/1971

TẶNG CHÚ CÔNG - TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG NGHIỆP 1 HÀ NỘI

Chú Công là giáo viên dạy kinh tế chính trị học tại trường Đại học nông nghiệp 1 Hà nội, là người miền Trung đi tập kết. Sau giải phóng miền Nam, chú ở lại làm giáo viên tại trường. Để ban thưởng cho các giáo viên lâu năm, vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trước khi nghỉ hưu bộ đại học và trung học chuyên nghiệp có cho chú sang Kiev 2 năm nghỉ an dưỡng, với lý do đi thực tập tiếng Nga tại trường đại học bách khoa Kiev.
Nhưng tuổi chú lúc đó cũng đã cao, học hành gì nữa, chú sang chủ yếu là đi buôn thôi. Chú hay để ý xét nét các anh chị nghiên cứu sinh và các sinh viên khác. Do tính chú hơi củ chuối, theo dõi rình người khác đi chơi với bạn gái, thế là bị ăn bạt tai, tội nghiệp thật.
Nhà nước cho chú sang an dưỡng thôi, chú hy vọng làm được đề tài nghiên cứu về chuyên môn. Nhưng trình độ ngoại ngữ không có thì làm gì được cho cam. Lúc đó ngẫu hứng, tôi viết bài ca dao phay, nay post lên đọc để nhớ lại tháng ngày sinh viên tiếu lâm. Chú Công không biết giờ còn sống hay đã quy tiên, có gì chú cũng thông cảm nghen.
”Chú Công kể cũng già rồi
Xét ra thì lại là người mới sang
Vừa ngu, vừa dốt vừa ngang
Giống cua biển của miền Nam nước mình.

Mượn tiếng là nghiên cứu sinh
Đêm ngày cặm cụi đi rình anh em
Bị đánh chửi đã bao phen
Vẫn không bỏ được bệnh ghen chó mèo.

Luôn mồm thấy chú kêu nghèo
Máy khâu, tủ lạnh, tiền đâu mua về?
Chú sang nghiên cứu những chi,
Hay là nghề nghiệp mang đi thực hành?

Tưởng chú là nghiên cứu sinh
Ai ngờ là kẻ đồng tình gian thương
Mới sang thấy chú phô trương
Đề tài nghiên cứu dễ thường gay go!

Cùng Châu* bàn chuyện nhỏ to
Cứ như một gã đốc tơ mới về
Công việc kinh tế say mê
Đề tài nghiên cứu chắc gì đã ham!

Nhắc chú chớ vội khoe khoang
Kẻo đề tài bỏ dở dang khi về./.”

Kiev tháng 10/1983
Minh Nguyệt
 

*Anh Hoàng Văn Châu, hiện nay là tiến sĩ hàn, trưởng phòng thí nghiệp của Bộ công nghiệp nặng công tác tại Hà nội. 

 


 

THƠ TẶNG CHÍ - NHÀ MÁY BÓNG ĐÈN PHÍCH NƯỚC RẠNG ĐÔNG

Sáu năm sang học bên Tây
Suốt ngày chăm chỉ hăng say miệt mài.
Chỉ vì hạnh phúc lâu dài
Làm cho Chí phải thức hoài nhiều đêm.

Biết làm gì để giàu thêm?
Vừa mua, vừa bán kiếm tiền lợi chăng?
Nổ máy thì sợ sặc xăng
Vào số thì sợ gãy phăng mất cầu.

Cách đây mấy tháng không lâu
Chí làm một chuyến Đông- Âu bất ngờ
Em gái bên Đức đang chờ
Ngẫm thân phận Lộc, Chí bơ không màng.*

Cám ơn nước Đức giàu sang
Mifa Chí quẳng nghêng ngang giữa nhà
Sẵn tiền Chí sắm đài loa
Máy khâu tủ lạnh chắc là lời đây.

Thoát được hai chuyến đi Tây
Túi tiền đầy ắp mặt mày sướng vui.
Dip lôm chuẩn bị xong rồi
Tốt nghiệp bằng đỏ cuộc đời lên tiên.

Mai về công tác trăm miền
Nước Đức, nước Tiệp chớ quên chú mày.
Nhân tiện giữa buổi chia tay
Tặng Chí một đoạn thơ này góp vui./.”

Kiep tháng 2/1984
Minh Nguyệt.
Anh Nguyễn Đắc Lộc – là giáo sư, tiến sĩ  khoa chế tạo máy trường Đại học bách khoa Hà nội
Hồi xưa, thời sinh viên cuộc sống của lưu học sinh trên đất Liên Xô vất vả lắm, mỗi tháng chúng tôi chỉ có 60 rup học bổng là lo hêt mọi chuyện, nếu tính ra tiền bây giờ khoảng 30 USD là cùng. Sau này được tăng lên 70 rup. Còn các học viên trong các trường quân đội được nhận 90 rup. Hè đến chúng tôi phải đi lao động, kiếm thêm tiền để còn lấy tiền mua sắm hàng hoá mang về nữa. Chúng tôi phải vào các nhà máy, tìm xem có cần thuê nhân lực hay không, vì mùa hè công nhân hay đi nghỉ mát dài ngày, các xí nghiệp thường bị thiếu người làm. Ngoài ra chúng tôi phải làm nghề may quần áo, để bán cho dân bản xứ. Đã là sinh viên hầu như ai cũng biết cắt may. Một số thì đi buôn bán hàng hoá giữa các thành phố trong liên bang để kiếm lời. Nếu lúc đó ai có người thân ở các nước Đông Âu, thì cố chạy xin giấy mời để đi du lịch buôn thêm ít quần bò, áo da, dày thể thao...
Khi tốt nghiệp về nước, mọi người cố gắng mua tủ lạnh, máy may, bàn ủi, xe đạp thể thao, quạt điện, nồi hầm...tất cả những thứ mà thị trường Việt nam lúc đó đang khan hiếm, kể cả những hộp lưỡi lam cạo dâu, những hộp thuốc cảm, thuốc kháng sinh...
Nếu nhớ lại thời gian đó mới thấy nước ta quá nghèo nàn về mọi mặt, chứ đâu như bây giờ. Mỗi lần đọc lại để nhớ một thời đã qua.

TẶNG THANH SƠN
Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng

Kể từ ngày tôi sang bên Tây
Thân thể tôi đang gầy hóa béo
Với chiều cao được kéo thêm ra

Trước cao một mét năm ba
Nay tôi thêm được những đà 5 phân.
Thể lực tăng được dăm cân.
Đi đứng ăn nói mười phân vẹn mười.

Ở nhà ăn dặt bo bo
Hàm răng tôi khỏe nhiều cô chết thèm.
Bây giờ nhai bánh mì đen
Nhiều khi ngồi nhớ lại thèm bo bo.

Nhưng mà tôi đâu có lo
Đến khi về nước tha hồ mà nhai.
Gắng công rèn luyện thành tài
Sẵn sàng đi tới mọi nơi Đảng cần./.

Kiev 1986
Minh Nguyệt.

Sơn quê ở Quảng Bình, khi bước chân sang Liên xô cao 1m53, sau thời gian học tập thêm được 5 cm giờ chắc vẫn vậy khoảng 1m58. Hiện công tác tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng.

THƠ TẶNG CÁC CÁN BỘ CHIẾN SĨ CỰU CHIẾN BINH SÔNG BÉ

Khi về thăm quê nội, gặp anh Nghè là con của chị gái bố tôi, năm nay anh đã 70 tuổi tôi nghe anh kể lại chuyến về thăm chiến trường miền Đông năm xưa ở Sông bé – Đồng xoài, nơi anh chiến đấu 7 năm trời. Anh nhập ngũ năm 1960, sau khi xây dựng gia đình xong thì anh lên đường đi chiến đấu tại chiến trường miền Đông liên tục từ năm 1965 đến năm 1972. Anh đã 5 lần nhận huy chương diệt Mỹ cấp ưu tú và vào năm 1972 anh bị thương nặng đơn vị cho anh được chuyển về miền Bắc, vì hoàn cảnh gia đình neo đơn mẹ mất sớm, đông em nhỏ và anh được phục viên với quân hàm trung úy. Đã 37 năm trôi qua hè năm 2009 anh mới có đi tìm hài cốt của một người đồng đội người Thạch thất, hy sinh tại Sông bé năm 1967 và anh mới lại có dịp về thăm chiến trường xưa. Anh cùng hội cựu chiến binh Sông bé thăm hết các nghĩa trang liệt sĩ nơi đã quy tụ hài cốt các đồng đội sau ngày giải phóng, anh thăm những nơi có hầm ngầm địa đạo năm xưa, nhưng có lẽ điều anh làm đáng nhớ nhất là khi xem tên các cán bộ chiến sĩ của cả ba miền Bắc - Trung - Nam đã hy sinh tại chiến khu Bà rá - Phước long thì không thấy tên của người chiến sỹ liên lạc của anh năm xưa, đồng chí này hy sinh, chính anh đã mang được xác từ trong căn cứ địch về chôn cất. Thế là hội cựu chiến binh Sông bé mới nói rằng, nếu anh không vào thăm lại chiến trường, thì tên của người chiến sỹ liên lạc đó coi như bị lãng quên và không được khắc trên bảng vàng ghi công.
Anh viết rất nhiều thơ về bộ đội Cụ Hồ, kỷ niệm những ngày chiến đấu gian khổ ở chiến trường, tình đồng chí đồng đội. Anh là thành viên của hội thơ xã Thượng cốc huyện Phúc thọ, Hà nội, do thời gian không cho phép tôi chỉ ghi âm một bài thơ anh viết khi về thăm chiến trường xưa. Anh sống cuộc đời rất đạm bạc có thể nói là hơi vất vả với xuất lương hưu của bệnh binh có 1,2 triệu đồng 1 tháng và phải nuôi một người vợ già cũng 70 tuổi bị mất trí nhớ đã trên 15 năm nay. Anh là người lính Cụ Hồ tuyệt vời, suốt đời trung thành với tổ quốc Việt nam, anh là người ông, người cha mẫu mực, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
THƠ TẶNG CÁC CÁN BỘ CHIẾN SĨ CỰU CHIẾN BINH SÔNG BÉ
Hôm nay tôi lại lên đường
Vào thăm bạn cũ chiến trường miền Đông
Hỡi các bạn có biết không
Đi tàu không phải vượt sông trèo đèo.
Trước đi dốc núi cheo leo
Giờ bay lướt gió ngắm nhiều cảnh tiên
Ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên
Quê hương yêu dấu hai miền Bắc Nam
Tuổi xuân trải lắm gian nan
Chiến tranh đi bộ mấy ngàn trăm cây
Măng rừng củ sắn nơi đây
Để anh giải phóng qua ngày tháng năm
Sốt rét mà chẳng có chăn
Chỉ có chiếc võng mà lăn tối ngày
Nếu ai mà chưa đến đây
Thì sao biết được những ngày năm qua
Vì sao ta phải xa nhà
Vì Nam vì Bắc nước nhà chia đôi
Làm con ta phải nghe lời
Tổ quốc đã gọi ta thời ra đi
Ước mong ta chẳng có gì
Nước nhà thống nhất ta thì vui hơn
Giờ đây người mất người còn
Biết bao đồng đội vì non nước nhà

Giờ đây tuy tuổi đã già
Trở vào thăm bạn thăm nhà anh em
Thăm đồng đội đã nghỉ yên
Thăm bia thăm mộ khắc tên bảng vàng
Lòng thành thắp một tuần nhang
Anh em đồng chí suối vàng hiểu cho
Chúng ta là lính Cụ Hồ
Giữ cho trong sáng lá cờ vàng sao
Hôm nay cũng thấy tự hào
Ít nhiều góp chút công lao đất này
Phước Long, Bà Rá còn đây
Sông bé nước chảy lúc đầy lúc vơi
Hôm nay tôi mới vào chơi
Các anh nghe rõ những lời tôi chưa
Thời gian thắm thoắt thoi đưa
Các anh ở lại cho vừa lòng nhau
Hẹn rằng có dịp lần sau
Lại vào thăm bạn cùng nhau tâm tình./.
Đỗ Xuân Nghè –xã Thượng cốc, huyện Phúc thọ- Hà nội


THƠ SINH VIÊN


Lại chuẩn bị tết Nguyên Tiêu bình thơ rồi, xin post lại mấy bài thơ vui cho các bạn thưởng thức. Bài này tôi đăng từ năm 2009 nhưng vẫn thấy rất hay và mang nhiều kỷ niệm của thời sinh viên.
Khi đi học, các sinh viên hay viết những bài thơ vui trên các bàn học, sinh viên năm sau đọc và truyền miệng nhiều bài thơ vui, có khi bôi bác mấy anh nghiên cứu sinh, hay tiết kiệm lo cho gia đình, học thì ít mà chủ yếu lo buôn bán hàng hoá kiếm tiền. Tôi sưu tầm một số bài thơ post cho vui, có thể có câu không nhớ hết, vì đã gần 30 năm rồi, bạn nào biết thì đóng góp cho vui nhé.

THƠ SINH VIÊN

”Năm năm mất chín kỳ thi
Một lần đồ án còn gì là xuân
Bạn thì xa, gái thì gần
Nó toàn mặc váy có quần đếch đâu.

Đùi tròn, da trắng, mắt nâu.
Không nhìn thì tiếc, nhìn lâu thì thèm
Nếu thèm cứ thử mà xem
Chỉ sợ nó lại chê chim mình còi…”

THƠ NGHIÊN CỨU SINH GỬI VỢ

”Kể từ ngày xa nhà sang nước bạn
Mấy năm rồi đằng đẵng nhớ thương.
Con chúng ta đang cắp sách đến trường
Hay vơ vẩn bên lề đường bơm xe đạp?

À cái quạt anh gửi về dạo trước
Đã bán chưa em, lời lãi được bao nhiêu?
Còn anh ở đây, chắt bóp đã đủ điều
Quần không giặt, áo chẳng là chi cả,

Mỗi bữa cơm chỉ vài mụn cá
Còn thường ngày bắp cải với khoai tây.
Chỉ cốt làm sao cho chặt cái dạ dày
Để vững bước trên con đường nghiên cứu.

Việc nghiên cứu chẳng có gì bận bịu
Sẵn thời gian anh dạo phố vài vòng
Bao nhiêu comison anh biết tỏng tòng tong.
Chờ hạ giá là mua ngay lập tức.

Á có một chuyện kể ra thì cũng bực
Ấy là hồi anh mua chiếc máy Xanh-gie
Anh nôn nao tiếm kiếm khắp vụ hè
Xách cặp, đi mòn đế dày mới gặp.

Khi ngã giá thằng bán hàng trở mặt
Lại còn đòi thêm mấy chục ka pei ki.
Anh vùng vằng đã định bỏ đi
Nhưng chợt nghĩ vì ở nhà em cần máy quý

Nếu ở bên này mình chịu thiệt đi một tý
Thì ở nhà em có máy dùng ngay…

Biết không em, thân hình anh mỗi lúc một về già,
Có ăn nhiều cũng chẳng béo ra mấy tí
Theo khoa học, như thế là lãng phí...

Anh hôn em hôn cả đứa con yêu…”

Comission - Cửa hàng bán đồ cũ mà người Việt nam hồi đó hay ghé thăm
Xanh-gie- là máy khâu singer đọc theo tiếng Pháp.
Ka pei ki - là tiền xu của Liên xô. Các bạn Balan thay từ kapeiki bằng Zloty

THƠ CHA GỬI CON ĐI HỌC LIÊN XÔ

Đã là sinh viên hay bộ đội, đều hay chêu chọc nhưng người quê miền Trung: Quảng Bình, Nghệ an, Hà Tĩnh và cả Thanh hoá nữa nhé. Dưới đây là bài thơ của người cha Quảng Bình gửi cho con. Nói chung cha gửi con mua những thứ cần cho gia đình như: Radio Nhật bản, máy khâu, xe đạp thể thao, nhung, sâm, mì chính, quạt tai voi…

”Hôm nay bọ viết thư này
Gửi qua thằng bạn chỗ mày về chơi.
Cả nhà mừng lắm con ơi
Cái đài Nhật bổn bán hời lắm nghen.

Bốn trăm đồng một cân len
Con nên cố gắng lùng thêm mua về.
Mèng thì cũng phải hai xe
Máy khâu phải chọn Xanh-gie mới hời.

Năm nay cha yếu lắm rồi
Thương bọ, thương mạ nhớ lời tao khuyên.
Này, tao dặn kẻo mày quên
Về qua Trung quốc mua thêm ít hàng.

Nhân sâm, mì chính cố mang
Nhung hươu cao cổ lại càng phải mua.
Năm nay trời thật trái mùa
Lúc nắng nắng lắm, lúc mưa mưa nhiều.

Mạ mày vất vả sớm chiều
Gió Lào không quạt đủ điều xót xa.
Lúc về qua Mạc-tư-khoa
Tai voi con nhớ mua 3 cái vào.

Cái tặng mạ, cái cho tao
Qua Đồng Đăng chẳng làm sao đâu mà!
Thôi bọ dừng bút tại đây
À quên, sức khỏe dạo này ra sao?

Học năm thứ mấy? Ngành nào?
Mua xong nhớ viết thư ào cho cha.
Được thư mày chớ nói ra,
Kẻo người ta tưởng nhà ta hám tiền!”

Bọ: nghĩa là cha, là bố
Mạ: nghĩa là mẹ.

Tháng 9.2009 Minh Nguyệt (sưu tầm)

THƯ CHA GỬI CON HỌC LIÊN XÔ THẾ KỶ 20

Nếu nói đến thời kỳ chúng tôi đi học khoảng 30 năm về trước, nước ta trong tình hình khủng hoảng kinh tế, nên gia đình nào có người đi học nước ngoài cũng phải lo tiết kiệm gửi quần bò, áo phông, đồng hồ… sang cho con cái. Khi nhận được bán đi, mua những thứ hàng công nghiệp của Liên Xô gửi về trong nước như bàn là, quạt điện, nồi áp suất, phích thép, áo bay, thuốc chữa bệnh…Một bài thơ tôi sưu tầm đã gần chục năm nay, hôm nay khi dọn dẹp máy tính, tình cờ tìm thấy xin đăng lên để các bạn đọc cho vui. Tác giả của bài thơ này quả thật là một người rất tinh thông về kinh tế thị trường và chính trị…chắc là viết vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Xin cám ơn tác giả, nếu ai là chủ nhân của bài xin cho biết để minhhankiev sẽ ghi tên bạn nhé. Blog của tôi không những chỉ có những bài hát Nga mà có rất nhiều bài thơ tôi yêu thích, các bạn có thể xem trong mục “Thơ tình & thơ chọn lọc” hoặc “Thơ tổng hợp”.



THƯ CHA GỬI CON HỌC LIÊN XÔ THẾ KỶ 20

Hôm nay cha viết thư này
Gửi qua thằng bạn chỗ mày về chơi
Cả nhà mừng lắm con ơi
Thùng hàng mới nhận bán hời lắm nghe.

Niken đẩy được chục "que"
Vòng bi thắng đậm hơn xe rất nhiều
Điều hòa lãi chẳng bao nhiêu
May mà trong ruột khá nhiều thuốc tây.

Biết không chục kiện ê - may
Tính ra chí ít năm "cây" có thừa
Xô tôn đã dặn đừng mua
Tại sao mày cứ đóng bừa vào đây?

Thùng sau lưu ý thuốc tây
Đồ nhôm nghỉ khỏe chớ dây làm gì
Lanh-cô, E-ríc, Ăm-pi...
Kháng sinh tổng hợp thứ gì cũng chơi.

"Mô-đen" xem kỹ con ơi
Kẻo mà quá "đát" là đời đi tong
Hóa chất mày "xoáy" được không(?)
Cha đang có một hợp đồng vạn "đô".

Hải quan con chớ có lo
Thằng nhỡ tao đã gài kho Hải phòng
Nếu hàng qua tuyến hàng không
Cậu mày soi máy khám trong Nội bài.

Từ nay cho đến tháng hai
Chú Ba đi Bỉ, dì Hai đi Bồ
Đều tờ-ran-dít Liên xô
Thông tin giá cả báo cho kịp thời.

Đồng Rúp thì mất giá rồi
Lấy "xanh" mà tính, lãi lời báo cha
Cần gì ghi thật rõ ra
Quần bò, áo gió, hay là áo phông?

Áo thêu ở ngực có hồng
Hay là xi-líp có bông hồng cài
Áo da "đểu", sâm Ki-tai
Nữ hoàng lộng lẫy còn xài tiếp không?

Bên ấy gái Cộng thì đông
Theo cha nên đánh cả vòng tránh thai
Quần zin mác giả "li-vai"
Hay mì chính Thái với đài Hồng công?

Bây giờ đang giữa mùa Đông
Con xem loại tất xù lông thế nào?
Áo ren các kiểu ra sao
Áo thêu chắc đã đi vào sử xanh.

Cá sấu một thuở tung hoành
"Nu'- nhe" giờ chắc đã thành thiên thu?
Sự đời nghĩ cũng phù du
Mốt này, kiểu nọ tít mù cung mây.

"Mốc" vừa, "nhũ" hổ, bướm bay
Bướm giờ gãy cánh, hổ quay về rừng
Hươu kia khí thế bừng bừng
Nay đang ôm hận giữa rừng áo da.

Mèo vừa mới ló sang Nga
Chịu không nổi lạnh vượt qua Pô-lần
Bây giờ áo gió ra quân
Hỏi xem sống được mấy tuần nữa đây.

Xét xem thế sự hôm nay
Thị trường biến hóa đổi thay choáng đầu
Đồ thật thì đắt, tiền đâu?
Mình buôn thứ ấy bằng hầu người ta.

Tiền dân Nga, đất dân Nga
Theo cha đồ rởm vẫn là hời hơn(!)
Ngoài ra trong chuyện bán buôn
Thị trường quyết định thiệt hơn rất dầy.

Hàng sang con chớ "đổ" ngay
Đợi thời mà bán đến tay người dùng
Liên bang rộng lớn vô cùng
Sức trai thỏa chí vẫy vùng đôi chân.

Dè chừng cái lũ công nhân
Tham gia "bộ đội" hại dân rất nhiều
Mafia trấn lột đủ điều
Quen nghề đạo chích từ nhiều năm nay.

Ngang nhiên chiếm cứ sân bay
Chiếm hàng từ cửa máy bay mới về
Tránh voi, nể chẳng mất gì
Lĩnh hàng chi chúng mấy "tì" là xong.

Than thân trách phận làm chi
Có thân ta cứ "độ trì" mà thôi!
À hôm chủ nhật vừa rồi
Mấy anh tổ lái vào chơi nhà mình.

Nghe đồn ở tận Bắc kinh
Năm "đô" một bịch to uỳnh nhân sâm
Ở Nga trăm tám mươi đồng
Mua về Hà nội đếm không hết tiền.

Bây giờ thời tiết đảo điên
Ông già bà lão đổ tiền ra mua

Bây giờ nói chuyện bên ta
Tình hình nổi bật nhất là Hà Dương...
Trông chừng mấy nước đàn anh
Liên Bang tốn sức cứu mình chẳng xong.

CuBa một mớ bòng bong
Nga cắt viện trợ khó lòng đứng yên
Nói gì ông Bắc Triều Tiên
Chỉ quen vay nợ quỵt tiền đồng minh.

Mấy nhà lãnh đạo Bắc Kinh
Thế cô đòi dám làm lành với ta
Mối tình hữu nghị Việt Hoa
Qua cơn cắn xé dần dà lành da.

Nhân vì Hoa Việt thông thương
Hàng Tàu tràn ngập thị trường nước ta
Dân tình nô nức sang Nga
Mượn danh du lịch, thật là đi buôn.

Đào vàng sập cả núi non
Nghe đâu sự thật lại còn khiếp hơn
Rủ nhau cùng cốc thâm sơn
Ai đem thân đến để chôn xứ này?

Nhiều thằng vận đỏ số may
Đã ô tô Nhật lại xây nhà lầu
Khối thằng bỏ xác rừng sâu
Khối thằng ngã ngựa, trọc đầu như sư.

Than thân trách phận làm chi
Có thân thì tự đi về mà thôi!

Nhân đây kể chuyện nhà mình
Để con được rõ tình hình con nghe
Thằng Hai đi bốc vác xe
Thằng Ba thì vẫn rong chơi tối ngày.

Thằng Bốn thì mới vượt biên
Thằng Năm thì mới bị lên Hỏa Lò
Con Sáu học dốt như bò
Thi trượt tốt nghiệp vào lò mát-xa.

Khoe rằng lương tháng triệu ba
Lại thêm cái khoản khách boa rất dày
Hôm qua khóc với mẹ mày
Mẹ ơi con mấy tháng này tắt kinh!

Khách hàng thì rất linh tinh
Làm sao biết khối xuân tình của ai?
Tao nghe dựng cả tóc mai
Vội mời thầy thuốc phá thai tại nhà.

Tạ thầy năm chục đô la
Dặn thầy kín tiếng kẻo mà về sau...
Thầy thuốc nháy mắt gật đầu
Lần sau cô bị em hầu cô ngay!

Nhân đây hỏi đến chuyện mày
Nghe đâu cũng xứng là tay giang hồ
Người yêu rải khắp Liên xô
Mà trong số đó chục cô có bầu.

Cha không trách cứ con đâu
Đương trai cứ việc, kẻo sau tiếc thầm
Đến khi phải tính hôn nhân
Theo cha nên chỉ một lần "luch-she".

Chuyện con, cha cũng có nghe
Yêu người cùng đất cùng quê tỉnh mình
Hẳn là cô ấy phải xinh
Nên con mới phải nghiêng mình trao tay.

Nghe cha, nhớ kỹ điều này
Phải con ông "cốp", xấu gầy cũng yêu
Ông, cha cực khổ đã nhiều
Dù ô bám lấy, phải liều mới may.

Hồ Gươm liễu rủ xum xuê
Hàng Ngang, Hàng Bạc, Thụy Khuê , Tràng Tiền
Đồng Xuân chợ họp liên miên
Mùa nào thực nấy sẵn tiền đi mua.

Kiếm cái hộ khẩu thủ đô
Mình con tỉnh lẻ ai đưa mình vào?
Xa xôi tình cảm dạt dào
Bận gì cũng phải ghi vào lời cha.

Coi chừng còn bọn gái Nga
Kẻo mà lại dính si-đa có ngày.

Tái bút:
À quên tao hỏi điều này
Chẳng hay sức khỏe của mày ra sao?
Học năm thứ mấy? Trường nào?
Phòng khi nhỡ có ai vào tao khoe(!)

Dặn thêm đừng có mua xe
Bây giờ chỉ được nửa "que" là cùng
Mà chỗ thì chiếm nửa thùng
Khuân vác lại nặng phát khùng, phát điên.

Em mày vốn tính ngại phiền
Nhưng nó lại thích dây chuyền từ lâu
"Con chẳng dám xin anh đâu,
Anh con lại bảo lâu nay hay "vòi".

Mẹ mày thì đã già rồi
Mày đừng tặng thứ tân thời làm chi
"Can-xô", "Xer-pốt", "Xẹc-ghi"
Nặng gam là được, cần gì hoa văn(!)

Nhận thư con chớ đọc ra
Kẻo người ta bảo nhà ta ham tiền.

Minhhankiev sưu tầm.

Một số đồ dùng mua về từ Liên Xô gần 30 năm trước vẫn dùng vô tư nhé:
Quạt tai voi vẫn quay theo thời gian .
 Bàn là Liên Xô 1000Watt sau 30 năm vẫn xài tốt
Nồi ấp suất nấu bánh trưng và dùng ép bánh luôn
Còn máy khâu đa năng vẫn chạy đều sau 30 năm...



SỬ DỤNG BÀN PHÍM INTERNET ĐỂ ĐÁNH MÁY TIẾNG NGA

 
Các bạn thân mến, có công cụ trong mạng cho phép ta gõ tiếng Nga đơn giản và nhanh như tiếng Việt, khỏi cần quan tâm đến Vietkey phải chuyển dấu và nhớ vị trí của chữ Nga trên bàn phím vi tính.
Nghĩa là khi đánh máy ta đánh như tiếng Việt không dấu, chỉ có một số chữ cái ghép trong tiếng Nga cần nhớ cách ghép từ thôi. Ta có thể xem cách ghép từ ngay trên bàn phím. Trong trường hợp cần thiết có thể kích con chuột vào từ đó trên bàn phím, nó sẽ hiện ra ngay.
Trước hết ta bật máy vi tính và nối mạng, sau đó có thể bấm và giữ phím Ctrl, rồi kích con chuột vào hàng chữ sau: http://translit.ru/ nó sẽ chạy theo đường link và ta có bàn phím internet. http://translit.ru/
 Phần mềm này có nhiều công dụng vừa đánh máy các loại ngôn ngữ khác nhau và còn để dịch các ngôn ngữ, hy vọng nó dịch chính xác hơn bác google. Nhưng ai có thời gian thì tìm hiểu thêm, tôi chỉ quan tâm phần đánh máy tiếng Nga thôi.
Tất cả các chữ cái tiếng Việt (hay La tinh) có thể quy chuẩn sang chữ cái tiếng Nga chỉ lưu ý một số từ ghép trong tiếng Nga ta cần chú ý đánh máy để ra những chữ này:

Chữ Nga
и
й
ч
ш
щ
ъ
Đánh tiếng Việt
i
j
ch
sh
w
shh
#

Chữ Nga
ь
ы
э
ё
ю
я
с
ц
Đánh tiếng Việt
y
je
jo
ju
ja
s
c

Phần đánh chữ hoa giống như tiếng Việt ta bấm giữ phím Shift rồi đánh máy chữ đó.
Sau khi ta đánh máy xong một bài hay đoạn văn cần thiết, ta copy để cho vào bài ta cần đăng. Cách làm nhanh bằng bàn phím, bấm Ctrl A để đánh dấu toàn bộ bài, hoặc nếu chỉ copy phần nào thì dùng con chỏ bôi đen chỗ đó rồi bấm phím copy: Ctrl C. Ta dán vào bài cần đăng hay lưu vào máy tính, thao tác cho con chỏ vào vị trí cần dán, rồi ta bấm Ctrl V. Như thế ta có bản tiếng Nga rồi.
 Tôi hướng dẫn tỉ mỉ phần này cho người chưa biết vi tính nên các bạn thông cảm nhé. Những ai đã học và đánh máy rồi thì không cần quan tâm.
Để lưu phần đánh máy tiếng Nga vào trong máy tính, khi cần có thể mở ra để đánh, các bạn lưu vào như lưu một trang báo nào đó.
Nếu bạn dùng Firefox, thì bấm vào chữ Firefox ngay trên góc trái phía trên nó hiện ra một số cửa sổ, rê chuột vào Bookmarks(Đánh dấu), rồi bấm Boomarks this page(Đánh dấu trang này), nó hiện ra bảng nhỏ, bấm vào Done(Xong rồi) là xong.
Nếu bạn dùng E(Inetrnet Explorer) thì khi mở trang http://translit.ru/
Ta bấm vào Favorites, ngay ở góc trái phía trên của màn hình, khi đó nó hiện ra hàng chữ phía dưới Add to favorites, trên màn hình hiện ra một cửa sổ nhỏ, phía dưới góc phải ta bấm vào chữ Add là xong. Khi cần tìm ta vào phần Favorites bấm vào T- translit.ru
Khi cần tìm ta mở một trang báo nào đó, bấm vào góc trái phía trên cùng chữ Firefox, rê chuột sang chữ Bookmarks(Đánh dấu), nó sẽ hiện ra những trang ta đã đánh dấu, bấm vào chữ T- translit.ru là ta có ngay bàn phím intenet sẵn sàng đánh tiếng Nga.
Chúc tất cả mọi người yêu tiếng Nga sẽ có công cụ hỗ trợ tuyệt vời cho công việc và phấn khởi với phần mềm mới này. 
Ngoài ra các bạn có thể sử dụng từ điển các thành ngữ tiếng Nga để dịch văn bản cho nhanh:



 
TP. Hồ Chí Minh 18.10.2012
Minh Nguyệt (Minhhankiev)