Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

SỐ PHẬN NGƯỜI LÍNH


 
Các bạn thân mến, khi tìm lại đống hình cũ thời sinh viên, tình cờ tôi thấy một tấm hình của bạn tôi và một người giờ đây đã khuất, mà lòng chạnh nhớ đến số phận của những người lính.
Ngày xưa khi mới vào bộ đội chúng tôi là những người đã tốt nghiệp phổ thông. Với lòng mong mỏi hết nghĩa vụ 3 năm sẽ được đi thi đại học cho nên anh nào cũng phấn đấu rèn luyện hết mình.
Đúng là những tháng năm sống với chế độ bôn sê vich, nếu bạn muốn được đi học trường sĩ quan nào đó hoặc đi thi đại học thì đừng có tư tưởng yêu đương nhé. Nếu quen cô gái nào thì sẽ bị các cán bộ phụ trách hỏi han ngay đó và lời căn dặn bọn em còn trẻ phải phấn đấu rèn luyện và học tập lo việc lớn đừng vì chuyện yêu đương làm trở ngại bước đường phấn đấu.
Đúng là gần 3 năm sống trong đơn vì có bao giờ dám nghĩ đến chuyện yêu đương, dù biết xung quanh mình có nhiều cô gái để ý, nhưng đành phải lơ đi cho lành.
Rồi ngày ấy cũng đã đến, hết nghĩa vụ chúng tôi được tập trung về các trường văn hóa của các quân khu, quân đoàn, binh chủng để ôn thi đại học. Những ai may mắn thì được về ôn thi tại trường văn hóa Bộ quốc phòng ở Lạng Sơn.
Sau kỳ thi đại học chúng tôi đủ điểm để đi học nước ngoài như các thí sinh khác, học ngoại ngữ một năm rồi chú Tứ phát cho cái vali giấy bọc ngoài bằng tấm vải simily, cùng bộ quần áo veston may tay, đôi giầy đen mõm nhọn và lên đường. Thời ấy đất nước ta mới giải phóng còn nghèo lắm, quần áo có khi còn chưa đủ mặc, mỗi người lính chúng tôi thông thường 2 đế 3 bộ là cùng mang theo 2 cuốn từ điển phổ thông và một cuốn từ điển kỹ thuật là lên đường.
Khi chúng tôi đặt chân lên đất Liên Xô có một số người đã biết tiếng Nga, còn có những người ở trong nước học tiếng khác giờ sang bắt đầu học tiếng Nga. Mấy tháng đầu mới sang anh nào cũng gò lưng mà học tiếng, tập phát âm tập hội thoại và quan trọng nhất vẫn phải sao cho đúng ngữ pháp.
Hết học kỳ một năm đó chúng tôi mới có những cuộc giao lưu với các trường khác tại những buổi họp của thành hội tổ chức.
Trong những buổi gặp đó mọi người mới có điều kiện làm quen với nhau. Tôi có anh bạn cùng học lớp dự bị có quen một bạn nữ thực tập sinh của trường sư phạm ngoại ngữ năm đó, rồi tình cảm gắn bó hơn và các bạn đã yêu nhau, thề non hẹn biển gì tôi cũng không biết nữa.
Tôi viết bài này chủ yếu nói về số phận những người lính thôi, khi còn trẻ mới vào bộ đội thì bị cấm yêu đương, rồi khi là sinh viên đã ngoài hai mươi yêu đương thì bị gia đình bạn gái không đồng ý, chỉ vì chúng tôi là lính.
Tôi vẫn nhớ như in năm 1980 khi chúng tôi về học ở trường bách khoa Kiev, bạn tôi có viết thư về trao đổi với bạn gái đó, rồi hai gia đình có đến thăm nhau. Vào cuối năm 1980 đầu 1981 vào mùa đông giá rét như bây giờ bố của bạn tôi bị đau dạ dày gầy yếu, nằm một chỗ ít đi lại, gia đình lại đông con ở tận Vĩnh Phú. Khi hai mẹ con bạn gái đến thăm thấy gia đình hoàn cảnh quá, nên trở về bà mẹ không cho con gái tiếp tục mối quan hệ với bạn tôi nữa. Chính tay bà ấy viết lá thư thay con giống như lá thư ly biệt và nói thẳng rằng vì hoàn cảnh gia đình nhà bạn tôi khó khăn, bố mẹ già ốm đau, đông con, còn bạn tôi là lính nay mai ra trường cũng nay đây mai đó sợ con bà ấy không hạnh phúc. Với lại cô ấy sắp ra trường mà bạn tôi còn học 5- 6 năm nữa sợ rằng con gái bà ấy khó chờ, con gái tuổi có thì.
Đọc xong lá thư bạn tôi rất buồn, bạn trao cho tôi đọc và tôi vẫn thấy lòng mình như có lửa, thiết nghĩ rằng nếu không có những người lính cầm súng ra mặt trận chiến đấu chống giặc ngoại xâm thì làm gì có đất nước thanh bình ngày hôm nay. Vâng chúng tôi đành chấp nhận sự thật vì có những người không muốn cho con họ lấy bộ đội mà muốn con họ kết duyên với công an, luật sư hay những người có chức có quyền kiếm ra nhiều tiền bạc.
Rồi sau đó khoảng một tuần, bạn tôi nhận được thư của gia đình trong đó có hai lá thư của bố và của mẹ. Mẹ bạn thì cũng viết về tình hình gia đình, nhưng tôi nhớ như in thư của bố bạn nói rằng thôi con ơi, nhà người ta không muốn cho con lấy cô ấy thì còn cũng đừng buồn, đời này thiếu gì người để cho con tìm hiểu và kết duyên.
Một năm đau buồn với gia đình bạn tôi, chỉ khoảng hai tháng sau khi viết bức thư cho con thì bố bạn mất vì bệnh dạ dày. Nhưng còn một tin buồn tiếp theo em trai bạn là công an biên giới khi đi chiến đấu bị đạp phải mìn chân voi cụt mất một chân.
Tôi biết bạn tôi cũng rất buồn khổ, chúng tôi bên nhau động viên cho bạn tập trung không để ảnh hưởng đến học tập.
Rồi cái gì đến nó sẽ đến như lời bố bạn viết trong thư, đời thiếu gì người cho con tìm hiểu và kết duyên.
Năm 1986 chúng tôi về nước, thì năm 1985 chúng tôi cùng tổ chức đám cưới tại Kiev, vợ của bạn là một thiếu nữ Hà Nội sang Matxcova năm 1980 và giờ đây sau hơn 30 năm ra trường cô ấy đang là phó giám đốc của một trường đại học có tên tuổi ở Hà Nội, gia đình sống hạnh phúc. Cháu gái học bên Mỹ về đang làm cho một công ty của Mỹ và đã có gia đình, còn cháu trai cũng đang học đại học tại Hà Nội.
Giờ bạn tôi đã nghỉ hưu nhưng đang đang làm giám đốc xưởng gia công cơ khí các loại máy thủy lực có xưởng sản xuất tại Đông Anh.
Còn người con gái trong hình đã mất hai năm nay vì ung thư, hôm tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm chia buồn thì chồng cô ấy cũng kể rằng mẹ vợ anh cũng mất cách đấy18 năm vì tai nạn giao thông, đúng vào năm bằng tuổi với cô ấy.

Hồ Chí Minh 14.01.2016
Minh Nguyệt 



BẠN VÀ TÔI




Trên thế gian này có bao nhiêu người bạn có hoàn cảnh giống chúng mình nhỉ?
Hai người Việt minh đi hoạt động cùng nhau, dìu dắt nhau vào đảng, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
Rồi hòa bình lập lại, bố Hạnh bảo với bố mình: hay cậu về quê mình mình sẽ giới thiệu cho cậu một cô vợ, mình sẽ cấp đất cho cậu làm nhà, về đây mình sống cho vui, và thế là hai chúng mình lớn lên gần gũi nhau như ruột thịt cũng từ ngày ấy.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, những năm tháng phổ thông cũng đầy ắp kỷ niệm. Chúng mình cùng trọ học cùng một ngõ, thỉnh thoảng qua lại thăm nhau.
Rồi hết phổ thông Hạnh đi học, mình vào lính. Lúc Hạnh ra trường được điều về một lữ đoàn hải quân năm 1978 cũng là lúc mình vừa thi đại học xong, học ngoại ngữ ở Thanh Xuân để chuẩn bị đi học nước ngoài.
Sau 7 năm từ 1979 tới 1986 mình về nước, như một điều gì đã được sắp đặt trước mình cũng được điều về hải quân nhưng ở tận vùng 5 nơi cuối cùng của đất nước.
Năm tháng dần trôi, mình chuyển về Sài Gòn cho gần gia đình vào năm 1992, thì đến 1996 Hạnh cũng chuyển về Hà Nội và cả hai đều thuộc Tổng cục công nghiệp quốc phòng.
Có một điều làm mình cứ băn khoăn mãi không nguôi, đó là chuyện Hạnh với cô hàng xóm của mình, gần 42 năm rồi chưa nối lại được với nhau.
Hồi hè rồi khi mẹ mình mất, cô hàng xóm có về chia buồn. Mình bảo cô ấy rằng chỉ ước mong có một ngày nào đó chỉ có mình, Hạnh và cô hàng xóm ngồi với nhau tâm sự, vì 60 tuổi rồi còn gì nữa mà giận nhau lâu thế.

Tp. Hồ Chí Minh 04.12.2015
Minh Nguyệt