Bài hát dân ca Ukraina có
tên “КАРІ ОЧІ, ЧОРНІ БРОВИ- ĐÔI MẮT HẠT DẺ, LÔNG MÀY
ĐEN” cũng là một trong những bài hát dân ca
được nhiều người yêu thích. Nghĩ cũng hay thật, người ta hay nói con mắt là cửa
sổ của tâm hồn, nên quen nhau và thích nhau chắc đầu tiên bắt nguồn từ hai con
mắt. Thế gian này có biết bao nhiêu kiểu mắt to, mắt nhỏ, một mí, hai mí và đôi
khi mí lép còn gọi là ba mí. Màu mắt thì xanh, đen, nâu sẫm hay còn gọi là màu
hạt dẻ, nhưng đôi khi mắt đen nhạt cũng còn gọi là màu chì. Nhìn vào đôi mắt
đẹp ai mà chả thích nhỉ, vì nhà tôi hầu như anh em đều có mắt to, sâu nên nhìn
ai giống mình thấy dễ chịu. Còn nhìn vào những đôi mắt to mà lồi, tôi không
thích lắm đâu, thấy hơi sờ sợ đấy. Tán cho vui thôi, chứ nhìn vào mấy cô mắt
sắc quá mình dễ bị đắm chìm vào trong đôi mắt ấy nhanh lắm đó. Bài hát dân ca
Ukraina do ban nhạc huyền thoại Trio Marenich trình bày xin giới thiệu cùng các bạn. Chúc các bạn cuối tuần
vui vẻ.
Các bạn thân mến, xin
giới thiệu với các bạn bài viết của Như Mai, người con gái của quê hương lúa Thái Bình, hiện đang
công tác tại Đà Nẵng, cảm nhận về bài thơ “Quan họ ngỏ lời” của tác giả Vũ Anh Tuấn được đăng trong trang
web Lục bát Việt Nam ngày 09/07/2013.
Vì trang Lục bát Việt Nam
cũng có thể nhiều người yêu thơ chưa biết đến, vì cũng như tôi là người yêu thơ
lục bát nhưng cũng say mê với những bài hát Nga và thơ Nga. Nên tôi mang toàn
bộ bài viết đó về giới thiệu trong trang blog này, hy vọng có thêm nhiều bạn bè
của tôi ở khắp nơi khi ghé thăm đều có thể đọc được cả thơ của Vũ Tuấn Anh và
lời bình thơ của Như Mai.
Dù đi khắp nơi từ Lạng
Sơn tới mũi Cà Mau, đi dọc Trường Sơn, ra tới tận Phú Quốc, nhưng tôi chưa có
dịp ghé thăm vùng quê Quan họ. Biết bao bài thơ, bài hát dân ca quan họ đã từng
nghe từ thuở nhỏ. Nhưng khi đọc bài thơ của Vũ Anh Tuấn tôi biết thêm được
những địa danh của quê hương Quan họ và những nét văn hóa truyền thống rất đẹp
của nơi đây đã có từ lâu đời, nền văn hóa phi vật thể ấy đã được UNESCO công
nhận, nó là niềm tự hào chung cho cả dân tộc Việt Nam chứ không riêng gì của
vùng quê Quan họ.
Lời bình của Như Mai thật
tuyệt vời đã lột tả được cái hồn đẹp đẽ, trong sáng của bài thơ như chính tâm
hồn của người Quan họ. Có độc giả đã nhận xét “Như Mai đã
thổi lên ngọn lửa về tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về mảnh đất Kinh
Bắc- nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm đẹp. Tác giả Tuấn Anh viết bài thơ đã hay,
Như Mai đã tiếp thêm lửa cho bài thơ giúp người đọc càng cảm nhận được cái hay
cái đẹp, cái dung dị của bài thơ!”
Mời các bạn đọc thơ của
Vũ Tuấn Anh và lời bình của Như Mai để càng thấy yêu thêm quê hương Quan họ, có
ai về Bắc Ninh cho tôi theo với nhé.
TP.Hồ Chí Minh 12.07.2013
Minh Nguyệt
QUAN HỌ NGỎ LỜI
Bằng lòng em nhé làm dâu?
Miền quê có khúc sông Cầu trong xanh
Kinh Dương Vương, phủ Thuận Thành
Có dòng Đuống đỏ, có tranh Đông Hồ
Có chùa Phật Tích, đền Đô
Thiên Thai hai núi mộng mơ chung tình
Có cây trúc mọc đầu đình
Hội Lim đến hẹn chúng mình chênh chao
Áo the chen nón quai thao
Hát câu quan họ gửi trao xuân về
Tình người mộc mạc chân quê
Làng lên phố, vẫn giữ lề gia phong
Nước sông cũng rõ đục trong
Từ truyền thuyết đã sẵn lòng vị tha
Em về chung một mái nhà
Có mẹ tần tảo có cha nhân từ...
Có niềm tin cõi chân như
Có anh mong đợi...
Hãy ừ nhé em!
Vũ Tuấn Anh
Tôi may mắn được nhận món quà là hai tập thơ "Quan họ ơi
đừng" và "Thì thầm đường quê" từ tác giả Vũ Tuấn Anh. Nhận thấy
trong thơ anh có sự đồng điệu nên tôi đã chọn trong số đó một vài bài mà tôi có
cảm xúc đặc biệt để viết cảm nhận của mình. Qua trang lucbat.com tôi xin phép
được gửi đến lời cảm nhận của tôi về bài thơ "Quan họ ngỏ lời" như
một lời chúc mừng đến tác giả Vũ Tuấn Anh nhân sự kiện chùm thơ của anh được
chọn đăng trong chuyên mục dự thi Tổ Quốc và đạo pháp.
Có thể thấy “Quan họ ngỏ lời” là một bài thơ mang âm hưởng dân ca
quan họ Bắc Ninh, với những lời giao duyên rất ý nhị và nhẹ nhàng. Cả bài thơ
như một bức tranh quê với những hình ảnh tươi sáng, mang nét đẹp từ truyền
thuyết tới đời thường. Với ý thơ mượt mà, ngôn ngữ giản dị, gần gũi với thơ ca
dân gian Việt Nam khiến nó đã đi vào lòng người đọc như một nét duyên riêng có.
Cũng dễ dàng nhận thấy bài thơ gồm có ba phần: phần đầu để giới
thiệu đến độc giả về một miền quê Kinh Bắc với rất nhiều những địa danh nổi
tiếng khác nhau, từ văn hóa vật thể đến phi vật thể, không chỉ là niềm tự hào
của quê hương Bắc Ninh và còn là niềm tự hào của cả nước; phần hai để nói lên
tình người nơi đó; phần ba là tình yêu đôi lứa được đặt trên nền tảng của tin
yêu, của sự chở che, đón đợi trong đại gia đình.
Ngay từ cái tên của bài thơ “quan họ ngỏ lời”, khi đọc lên đã thể
hiện được ý chí của người viết. Mặc dù mở đầu bài thơ là một câu mời gọi người
con gái về làm dâu, “Bằng lòng em nhé làm dâu…” nhưng đấy không chỉ là lời mời
của một “liền anh” cụ thể, đó là lời ngỏ của một miền quê với “một nửa” thân
yêu của mình! Cái khéo léo của tác giả là biết đặt tình yêu đôi lứa trong tình
yêu quê hương xứ sở để vừa giới thiệu đến người đọc một miền quê mang nhiều nét
đặc thù riêng có; một mặt khác có thể hình dung ra những con người nơi đây là
những con người “biết yêu” thật sự, bởi họ đã biết đặt chữ yêu trong lề thói
gia phong, nơi “có mẹ tần tảo có cha nhân từ/ Có niềm tin cõi chân như…”
“Quan họ ngỏ lời” như lời mời gọi thiết tha “hãy về với anh”, với
quê hương có khúc Sông Cầu xanh trong mà bao đời nay đã là đề tài cho thơ, ca,
nhạc, họa được thăng hoa; Có đền thờ Kinh Dương Vương, bậc thánh trí thông minh
nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về thân phận; Có những ngôi chùa, những đền thờ
mang nét đẹp huyền bí; Có dòng Đuống đỏ quạch phù sa bồi đắp như tình yêu đôi
lứa đã vượt qua thử thách được vun bồi và lớn dậy cùng tháng năm; Và đây nữa,
hội Lim rộn ràng “đến hẹn lại lên” - nơi giao duyên của các liền anh liền chị
khi tháng Giêng về trong mùa Xuân của đất trời.
“Anh” đã ngỏ lời rồi đấy, “em” hãy về nhé, về không chỉ bởi lời
anh mời gọi thiết tha, mà về bằng cả nỗi xốn xang mang theo trong lòng từ câu
hát dân ca nữa nhé! Quê hương anh đã đổi thay từng ngày, từng ngày theo chiều
hướng tích cực, “làng đã lên phố” nhưng tình người thì vẫn mộc mạc, chất phát,
chân quê, vẫn giữ được lề thói gia phong mà bao đời nay lớp lớp các thế hệ cha
ông đã giữ gìn và phát huy. Cuộc sống có khi vui, khi buồn, như khúc sông có
khi đầy khi cạn, có khi đục khi trong... nhưng với lòng vị tha sẵn có sẽ thì
mọi trở ngại khó khăn hẳn là sẽ vượt qua được hết thảy.
Còn chần chừ gì nữa khi “anh” đã mời “em” bằng cả tấm chân tình
của người trai Kinh Bắc, người trai ấy được sinh ra trong niềm tự hào quê
hương, trong sự gìn giữ và không ngừng phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của
gia phong của nếp nhà. Với những tin yêu “anh” đã dành cho “em”, ta đã dành cho
nhau thì “hãy ừ” em nhé!
Qua bài thơ tác giả đã khái quát được những nét đặc trưng của quê
hương mình với những địa danh đã đi vào sử sách, với những giá trị truyền thống
thể hiện ở lề thói gia phong và nếp nhà. Hơn nữa là tình yêu với quê hương được
tác giả lồng vào trong từng ý thơ rất duyên dáng và giàu cảm xúc chân thành.